Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Lệ Xá quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025
  06/03/2024     |  Lượt xem 31   

Ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống

Công nghệ số đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và mang đến những lợi ích to lớn. Tiếp nhận công nghệ số và ứng dụng công nghệ số vào tất cả các mặt của đời sống xã hội đang mang lại những sự thay đổi lớn.

Mạng lưới cáp quang của tỉnh được lắp đặt đến 100% các thôn, tổ dân phố, trong đó trên 90% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy cập Internet băng rộng, tốc độ cao; tỉ lệ thuê bao điện thoại di động/100 dân đạt 78,8 thuê bao, trong đó gần 90% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,66 Mbps, tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 48,29 Mbps; 85% số người trưởng thành trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh. Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong các mặt của đời sống xã hội.

Trong các lĩnh vực ưu tiên, thiết yếu như y tế, giáo dục, dịch vụ công, chuyển đổi số mang lại những kết quả tích cực. Đến nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã trang bị nền tảng học trực tuyến để phục vụ công tác dạy và học trên môi trường mạng; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Khả năng tiếp cận về công nghệ thông tin và tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục thông minh của người dân và doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt. Toàn tỉnh đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân đạt gần 100% với hơn 1,2 triệu hồ sơ.

Nhân viên Viettel Hưng Yên tuyên truyền, hướng dẫn người dân quảng bá, giới thiệu nông sản trên sàn thương mại điện tử

Đối với dịch vụ công, chuyển đổi số đã tạo sự chuyển biến rõ rệt khi chuyển từ dịch vụ công trực tiếp sang dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Năm 2023, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỉ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến đạt trên 88%. Điều này đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC, được người dân và doanh nghiệp hài lòng với tỉ lệ hài lòng đạt 100%.

Trong sản xuất, kinh doanh, công nghệ số được ứng dụng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Công nghệ số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động sản xuất truyền thống sang sản xuất dựa trên công nghệ. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số đã làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giúp họ chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật vào các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch, những “nông dân số” sử dụng công nghệ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Thông qua các sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân đã làm chủ được đầu ra của sản phẩm thay vì phụ thuộc vào thương lái như trước. Nhiều loại nông sản của tỉnh đã có gian hàng trên các trang thương mại điện tử lớn, uy tín và tạo được hiệu ứng tốt với khách hàng.

Hộ kinh doanh ở xã Trưng Trắc (Văn Lâm) ứng dụng công nghệ số trong thanh toán cho người tiêu dùng

Công nghệ số hiện hữu ở khắp nơi và gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân. Việc ứng dụng công nghệ số trong thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến. Tại các siêu thị, cửa hàng, quán ăn, cây xăng, nhà hàng hay thậm chí là tại các chợ dân sinh, đều có các thiết bị hỗ trợ khách hàng thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Khách hàng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử là có thể quét mã QR Code của người bán để thanh toán. Đây là sự tiện ích mà công nghệ số mang lại phục vụ cho đời sống xã hội. Đến nay, 100% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình trả tiền, vận tải đường bộ triển khai thu cước, phí theo hình thức không dùng tiền mặt. Tỉ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 28%, trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 30%. Năm 2023, tỉ lệ đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 9,26%...

Với phương châm chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, có thể thấy trong tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của người dân sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy được lợi ích và tích cực ứng dụng nhằm lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Toàn tỉnh có gần 1 nghìn tổ công nghệ số cộng đồng với trên 6 nghìn thành viên hoạt động tại 100% thôn, xóm, khu dân cư. Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền đến người dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số, đồng thời tích cực hướng dẫn người dân truy cập cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của địa phương để tra cứu, tìm hiểu thông tin; cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo tài khoản và truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện nay, công nghệ số đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ sản xuất, kinh doanh đến đời sống hằng ngày. Để chuyển đổi số an toàn, bền vững, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tham mưu với tỉnh và chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng; tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân khi hoạt động, giao dịch trên môi trường mạng…

Nguồn tin: baohungyen.vn